Quế Phong là một trong 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An và là một trong 3 huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”. Mới đây, cử tri huyện Quế Phong đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý, khắc phục việc chậm cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai tại Quế Phong. Ảnh: Hải Phong
Vẫn còn 36% hộ nghèo
Miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi địa hình phức tạp, phần lớn là núi rừng, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên miên, giao thông cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vậy mà huyện Quế Phong dậm chân tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Quế Phong đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, tập trung sản xuất, góp phần đưa đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo.
Là huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a, nhưng Quế Phong có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai, nhân rộng tại các xã. Cụ thể, 721ha cây dược liệu, 304ha cây ăn quả, 210ha cây chanh leo đem lại triển vọng gia tăng thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, huyện Quế Phong còn có hơn 145.000ha rừng tự nhiên và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng đạt được nhiều kết quả tích cực...
Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực, tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 36% số hộ vẫn là hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn cao; mới có 30% tuyến đường giao thông huyện, 21,7% đường xã được cứng hóa, đường từ xã xuống bản chủ yếu là đường đất; 36 thôn, bản chưa có điện lưới.
Theo phản ánh của người dân, việc cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện thực hiện Nghị quyết 30a trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong chậm, ảnh hưởng đến việc cung ứng giống cây, con cho người dân. Cùng với đó, kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu hoặc được cấp nhỏ giọt, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu; các dự án thành phần cũng thiếu vốn, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Việc cấp kinh phí còn vướng mắc
Trước vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm, căn cứ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề xuất phương án phân bổ cho các huyện. Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn cho các huyện.
Sau khi các huyện được phân bổ nguồn vốn, sẽ tiến hành lập các dự án chi tiết theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-10-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, phải tiến hành theo 4 bước là tuyên truyền, phổ biến dự án; tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án; xây dựng dự án; phê duyệt dự án.
Trong quá trình thực hiện 4 bước nói trên, các địa phương phải trình giá các loại cây, con giống, vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết... gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định để làm căn cứ xây dựng dự toán chi tiết cho từng dự án. Sau khi các huyện hoàn chỉnh quy trình lập dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nội dung chi tiết cho từng dự án để trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thẩm định; trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục từng dự án cho các huyện để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết thêm, từ các bước thực hiện trên cho thấy, quá trình giao kế hoạch vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a khá c.h.ặt. chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung phải qua nhiều bước, nhiều cấp nên mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc phân bổ vốn chậm.
Thực tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế giúp đồng bào vươn lên, bước đầu tạo đột phá trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để giúp các huyện nằm trong chương trình 30a phát triển nhanh, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp tổng thể để góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.