Một mình sang Lào, Thái Lan để tìm kiếm thị trường và kết nối với các tiểu thương kinh doanh sản phẩm dệt thổ cẩm để đưa dệt thổ cẩm dân tộc Thái xuất ngoại. Đó là câu chuyện đầy quyết tâm của chàng trai dân tộc Thái, Hà Văn Thanh ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) trên con đường tìm lại chỗ đứng cho dệt thổ cẩm của quê nhà.

Sinh ra trong cái nôi văn hóa Thái, Hà Văn Thanh thấu hiểu rõ nét văn hóa đặc trưng của người Thái. Trong đó có khung dệt của bà, của mẹ để làm ra được những tấmthổ cẩm tinh xảo.

Trong văn hóa của người Thái, nghề dệt truyền thống chỉ được truyền dạy cho con gái, vì thế Thanh không được mẹ dạy nghề dệt. Thời gian cứ thế trôi qua, khi trưởng thành, Thanh nhận thấy trong cuộc sống thường nhật hình ảnh những bé gái 13, 14 tuổi không còn cầm kim chỉ để thêu, không còn ngồi bên khung dệt nữa. Điều đó khiến một người yêu văn hóa dân tộc như Thanh không thể không suy nghĩ.
Với trăn trở của bản thân, Hà Văn Thanh đã tìm đến những vị cao niên trong bản, trong xã để xin được học cách dệt và cách nhuộm vải của các bà. Sau khi được truyền dạy, Thanh đã quay về động viên, hướng dẫn lại cho các chị em trong xã học theo và đứng ra để thu mua các sản phẩm đó.
“Để thuyết phục mọi người quay lại với khung dệt rất khó. Lúc đầu tôi đã mang gạo, nước mắm, mì chính… để đổi lấy những tấm vải dệt. Sau nhiều lần, bà con nhận ra nếu dệt vải thì sẽ đổi được hoặc bán lấy tiền để mua những thứ gia đình mình cần. Từ đó, phong trào dệt vải để bán cho tôi dần được đông đảo chị em hưởng ứng”, Thanh kể lại.
Hà Văn Thanh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bà con bỏ nghề đó chính là nhu cầu sinh kế, khi thị trường lao động có nhiều việc làm cho thu nhập cao hơn thay vì ngồi cả ngày để dệt vải. Vì thế, để bà con giữ nghề bắt buộc phải có được giá trị kinh tế từ những tấm thổ cẩm đó.
Trước thách thức ấy, tháng 2/2018, Hà Văn Thanh đã tự sang Lào, Thái Lan để kết nối thị trường với “tham vọng” đưa sản phẩm của bà con quê mình bày bán tại nước bạn. Với những nỗ lực của mình, Thanh đã thành công, khi giờ đây những tấm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Quế Phong đã được xuất ngoại. 
Để các sản phẩm dệt có được chỗ đứng, bản thân Thanh đã tự nghiên cứu, tìm tòi những họa tiết truyền thống, sau đó kết hợp với những họa tiết hiện đại để cho ra những tấm thổ cẩm vừa mang đậm màu sắc truyền thống nhưng vẫn thời thượng. “Nếu trước đây, các sản phẩm dệt có họa tiết đơn giản, thì bây giờ họa tiết đã đa dạng, bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Thanh cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quế Phong có khoảng 30 chị em tham gia vào tổ dệt và cung cấp đều đặn các sản phẩm cho Thanh. Hằng tháng, mỗi chị em thu nhập thêm 1,5 - 2 triệu đồng. “Khoản thu nhập này tuy chưa cao, nhưng cũng là động lực để bà con quê mình quay lại bên khung dệt, từ đó góp phần bảo tồn được văn hóa của dân tộc. Nếu trước đây trong huyện chỉ còn vài gia đình dệt vải, thì giờ tiếng khung dệt đã rộn ràng hơn trong mỗi bản làng của người Thái”, Thanh chia sẻ.
Thời gian tới, Thanh dự định sẽ thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm để mở rộng thị trường cho sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái.
Theo Hồng Minh
(Baodantoc.vn)