Người Thái có một
nền văn hóa đặc sắc, đặc biệt, họ còn có chữ viết nên lưu giữ được nhiều di sản
văn hóa của cha ông. Hệ thống chữ viết cổ của người Thái từ xưa đã được ghi lại
trên giấy gió, giấy dướng với nội dung rất phong phú. Chữ viết cổ của người
Thái có tự dạng Sanscrit (Bộ chữ Phạn), vốn được vay mượn từ Ấn Độ và được sáng
tạo thành bộ chữ riêng. Tiếng Thái là ngôn ngữ đơn tiết, có thanh điệu. Về mặt
phân loại thân tộc ngôn ngữ, tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai – Kadai. Người Thái là
hậu duệ của người Tai cổ, chủ nhân của nền văn minh lúa nước đặc trưng của vùng
Đông Nam Á cổ.
Ảnh chụp giáo trình dạy chữ Thái Lai Tay của thầy Sầm Văn Bình (nguồn Internet)
Chữ Thái ở Việt
Nam là loại chữ cổ và hiện nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từ tổ tiên người Thái
để lại. Người Thái ở Việt Nam sống rải rác tại nhiều địa phương, nên chữ viết
cũng dùng trong phạm vi từng địa phương, chưa được thống nhất và chưa được cải
tiến. Riêng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, từ thời bản mường dưới sự thống lĩnh
của Tạo Xuông, Tạo Ngần, khoảng thế kỷ XI, XII, khi đưa dân Thái (Thái đen) từ
Mường Ôm, Mường Ai nơi đầu "sông nước đỏ" (sông Hồng) vào chiếm Mường
Lò (Nghĩa Lộ) đã có “Một mường", "Mo mường” và mang theo sách sử…
Tiếng Thái giàu
thanh điệu, vùng phát triển cao nhất là 6 thanh thường và 2 thanh tắc (như tiếng
Thái đen Việt Nam). Hai thanh tắc phát âm rõ thanh sắc và thanh nặng (gần như
tiếng Việt). Trong số các thanh có thể phân thành hai nhóm cao và thấp hoặc có
thể gọi là nhẹ và nặng, từ đó, sáng tạo ra 2 tổ phụ âm cao và phụ âm thấp. Sáng
tạo lớn nhất trong bộ chữ của người Thái là tìm ra cách ghi, phân biệt rõ ràng
và có quy tắc các thanh trong ngôn ngữ của mình.
Theo các nhà
Thái học Việt Nam, do tiếng Thái bao gồm nhiều thổ ngữ, phương ngữ, nên theo
dòng lịch sử, người Thái có tới 8 bộ kí tự: 2 bộ của ngành Thái đen: 1 bộ được
dùng phổ biến nhất ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, 1 bộ dùng ở miền Tây
Thanh Hoá; 4 bộ thuộc ngành Thái trắng, tại các địa phương: Phong Thổ, Mường Tè
(Lai Châu); Mường Lay (Điện Biên); Phù Yên (Sơn La) và 1 bộ tại các địa phương:
Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình); 1 bộ chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An
– gọi là chữ Thái Lai Tay) và 1 bộ mang tên Lai Pao ở Tương Dương (Nghệ An).
Tuy nhiên, tại 7 tỉnh có người Thái đều công nhận họ chỉ có một bộ
chữ duy nhất, khác nhau ở một vài ký hiệu riêng của từng địa phương, ghi
theo âm của địa phương mình.
Chữ viết của
người Thái Việt Nam là di sản kế thừa từ thành tựu chung của cộng đồng ngữ hệ
Thái cùng với sự sáng tạo của họ, trong đó, đồng bào Thái ở Sơn La có đóng góp
không nhỏ. Người Thái đã sáng tạo ra cách đánh vần nên với họ, chữ này rất dễ học.
Chữ viết của người Thái viết liền, không có dấu chấm, dấu phẩy, không có chữ viết
hoa; hơn nữa, bộ ký tự chữ Thái ở mỗi địa phương ít nhiều có sự khác biệt. Bộ
chữ Thái đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện về hệ thống ngữ âm, từ vựng và
ngữ nghĩa của ngôn ngữ Thái. Tuy vậy, nó vẫn có một số hạn chế là không có dấu
thanh và chưa thống nhất cao giữa các vùng.
Tại Quyết định
số 03/2006/QĐ-BGDĐT ngày 24/01/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban
hành chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiếu số (có chữ viết) cho cán bộ,
công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi. Hiện có khoảng trên 3.000 người đã
được cấp chứng chỉ biết chữ tiếng Thái.
Chữ Thái cổ
không có dấu thanh điệu, khi đọc phải căn cứ vào ngữ điệu mà đoán. Một phụ âm của
chữ Thái có hai ký hiệu: huyền (`), thanh ngã (~). Khi mượn từ Việt có thanh
(`) thì thành thanh cao (~). Khi mượn từ Việt có thanh ngã (~) thì biến thành
thanh (') hoặc thanh (.).
Hệ thống bộ chữ
cổ của người Thái gồm: chữ cái phụ âm có 24 cặp chia làm 2 tổ: thấp và cao; chữ
cái nguyên âm có 19 nguyên âm; dấu thanh điệu có 2 dấu thanh cho 2 tổ hợp, mỗi
tổ hợp kể cả không dấu thanh sẽ tạo thành 3 thanh điệu, tổng cộng là 6 thanh điệu;
hệ thống vần chữ Thái.
Chữ Thái cổ được
viết liền nhau, không có dấu chấm, dấu phẩy, không viết hoa. Phụ âm cuối của âm
tiết trước có thể làm phụ âm đầu của tiết sau; một phụ âm có thể kết hợp với ba
nguyên âm để cấu thành ba âm tiết và ngược lại một nguyên âm có thể kết hợp với
hai phụ âm để cấu thành hai âm tiết; nét chữ và độ dài, ngắn của một số phụ âm
không rõ ràng, dễ nhầm lẫn; có nhiều từ cổ, có chữ âm từ (tượng hình) nên hiện
nay ít người đọc được chữ Thái cổ; có nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng rất
phổ biến trong giao tiếp.
Chữ Thái cổ hiện
nay do những người già, người am hiểu chữ Thái nắm giữ và bảo lưu trong các cuốn
sách chữ Thái cổ. Có thể phân loại sách chữ Thái cổ thành các loại sau: sách viết
về quan niệm trời đất, sinh vật và sự sống (thế giới quan của con người); truyện
kể (quám tô); sách hát (quám khắp); sách dạy người (quám bóc mạy, son kốn);
sách giáo dục trẻ em; sách dạy lời giao tiếp (quám cáo nai); sách cúng tế (quám
cáo tăm); sách cúng của thày mo (quám một); sách về tục lệ (hịt khỏng); sách
bói toán (quám dượng mó); sách bùa chài ma thuật (măn muốn, bít năng, băng phắn);
các loại sách hướng dẫn. Mỗi loại sách lại có nhiều chủ đề khác nhau.
Hệ thống sách
chữ Thái cổ ghi chép về nhiều lĩnh vực như: lịch sử, lễ nghi, phong tục, luật lệ,
đạo lý, địa lý, tín ngưỡng, nhân sinh quan thế giới và vũ trụ, văn học (sử thi,
trường ca, anh hùng ca...), là nguồn sử liệu vô giá nghiên cứu về mọi mặt đời sống,
văn hóa, xã hội… của người Thái. Chữ Thái cổ ghi lại những áng văn thơ của dân
tộc mình để truyền từ đời này sang đời khác, được thể hiện qua những lời hát
dân ca, những lời thơ trữ tình, lời dăn dạy con cháu, ôn truyền thống lịch sử
hào hùng của cha ông… Chữ Thái cổ là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực:
âm nhạc, văn hóa dân gian, dân tộc học, ngữ văn… Hình thành từ cội nguồn xa
xưa, chữ Thái có chức năng bảo tồn, phản ánh chiều sâu văn hóa dân tộc. Nghiên
cứu chữ Thái và những pho sách Thái cổ góp phần hiểu rõ lịch sử tộc người, văn
hóa, tin ngưỡng, tri thức dân gian của người Thái.
Với giá trị và
ý nghĩa đặc biệt trên, Chữ viết cổ của người Thái được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết
định số 829/QĐ - BVHTTDL ngày 10/3/2016.