Articles by "Người Thái"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Người Thái. Hiển thị tất cả bài đăng

Ẩm thực của người Thái đơn giản, không cầu kỳ, ít dùng dầu mỡ trong chế biến, các món ăn phổ biến là: Nộm (chụp), hông (nưng), luộc (tôm), nướng (ping)... kết hợp với các gia vị phổ biến như: Muối trắng (cứa), ớt cay (mạc ượt), hạt mắc khén(mờ khèn), hạt dổi (mờ nắm), ống nứa, lá dong... Hòa quyện tạo nên hương vị dịu nhẹ, dễ ăn, hòa quyền với thiên nhiên. 


Những món ăn phổ biến gồm:
1. Chèo (Chéo, chẹo):
Chèo là món ăn phổ biến, là món ăn phổ biến, chế biến nhanh để ăn với cơm trong trường hợp gia đình bận rộn vội vàng với công việc đồng áng. Chèo là phải đâm, món chèo làm nhanh nhất là chèo ớt với hẹ, chèo măng chua, chèo cá.
2. Luộc (tôm):
Người Thái luộc thường nguyên con, + với lòng, gia vị chỉ thêm ít muối trắng
3. Nướng (Ping): Món Ping của người Thái rất đơn giản, có thể là Ping Pá (nướng cá), ping chọn (nướng Thịt) và Ping Hết (nướng nấm) gia vị đi kèm chỉ đơn giản là muối trắng, muối hạt to. Hiện nay, một số gia đình hoặc một số điểm phục vụ du lịch đã phát triển thêm như: trộn thêm mắc khén, cuốn thêm sả, lá bưởi ... Để tăng thêm khẩu vị và độ thẩm mỹ cho món ăn.

Bài tiếp: Món canh ột,món lạp pịa,canh môn,..

 

Người Thái có một nền văn hóa đặc sắc, đặc biệt, họ còn có chữ viết nên lưu giữ được nhiều di sản văn hóa của cha ông. Hệ thống chữ viết cổ của người Thái từ xưa đã được ghi lại trên giấy gió, giấy dướng với nội dung rất phong phú. Chữ viết cổ của người Thái có tự dạng Sanscrit (Bộ chữ Phạn), vốn được vay mượn từ Ấn Độ và được sáng tạo thành bộ chữ riêng. Tiếng Thái là ngôn ngữ đơn tiết, có thanh điệu. Về mặt phân loại thân tộc ngôn ngữ, tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai – Kadai. Người Thái là hậu duệ của người Tai cổ, chủ nhân của nền văn minh lúa nước đặc trưng của vùng Đông Nam Á cổ.


Ảnh chụp giáo trình dạy chữ Thái Lai Tay của thầy Sầm Văn Bình (nguồn Internet)

Chữ Thái ở Việt Nam là loại chữ cổ và hiện nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từ tổ tiên người Thái để lại. Người Thái ở Việt Nam sống rải rác tại nhiều địa phương, nên chữ viết cũng dùng trong phạm vi từng địa phương, chưa được thống nhất và chưa được cải tiến. Riêng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, từ thời bản mường dưới sự thống lĩnh của Tạo Xuông, Tạo Ngần, khoảng thế kỷ XI, XII, khi đưa dân Thái (Thái đen) từ Mường Ôm, Mường Ai nơi đầu "sông nước đỏ" (sông Hồng) vào chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) đã có “Một mường", "Mo mường” và mang theo sách sử…

Tiếng Thái giàu thanh điệu, vùng phát triển cao nhất là 6 thanh thường và 2 thanh tắc (như tiếng Thái đen Việt Nam). Hai thanh tắc phát âm rõ thanh sắc và thanh nặng (gần như tiếng Việt). Trong số các thanh có thể phân thành hai nhóm cao và thấp hoặc có thể gọi là nhẹ và nặng, từ đó, sáng tạo ra 2 tổ phụ âm cao và phụ âm thấp. Sáng tạo lớn nhất trong bộ chữ của người Thái là tìm ra cách ghi, phân biệt rõ ràng và có quy tắc các thanh trong ngôn ngữ của mình.

Theo các nhà Thái học Việt Nam, do tiếng Thái bao gồm nhiều thổ ngữ, phương ngữ, nên theo dòng lịch sử, người Thái có tới 8 bộ kí tự: 2 bộ của ngành Thái đen: 1 bộ được dùng phổ biến nhất ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, 1 bộ dùng ở miền Tây Thanh Hoá; 4 bộ thuộc ngành Thái trắng, tại các địa phương: Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu); Mường Lay (Điện Biên); Phù Yên (Sơn La) và 1 bộ tại các địa phương: Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình); 1 bộ chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An – gọi là chữ Thái Lai Tay) và 1 bộ mang tên Lai Pao ở Tương Dương (Nghệ An). Tuy nhiên, tại 7 tỉnh có người Thái đều công nhận họ chỉ có một bộ chữ duy nhất, khác nhau ở một vài ký hiệu riêng của từng địa phương, ghi theo âm của địa phương mình.

Chữ viết của người Thái Việt Nam là di sản kế thừa từ thành tựu chung của cộng đồng ngữ hệ Thái cùng với sự sáng tạo của họ, trong đó, đồng bào Thái ở Sơn La có đóng góp không nhỏ. Người Thái đã sáng tạo ra cách đánh vần nên với họ, chữ này rất dễ học. Chữ viết của người Thái viết liền, không có dấu chấm, dấu phẩy, không có chữ viết hoa; hơn nữa, bộ ký tự chữ Thái ở mỗi địa phương ít nhiều có sự khác biệt. Bộ chữ Thái đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện về hệ thống ngữ âm, từ vựng và ngữ nghĩa của ngôn ngữ Thái. Tuy vậy, nó vẫn có một số hạn chế là không có dấu thanh và chưa thống nhất cao giữa các vùng.

Tại Quyết định số 03/2006/QĐ-BGDĐT ngày 24/01/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiếu số (có chữ viết) cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi. Hiện có khoảng trên 3.000 người đã được cấp chứng chỉ biết chữ tiếng Thái.

Chữ Thái cổ không có dấu thanh điệu, khi đọc phải căn cứ vào ngữ điệu mà đoán. Một phụ âm của chữ Thái có hai ký hiệu: huyền (`), thanh ngã (~). Khi mượn từ Việt có thanh (`) thì thành thanh cao (~). Khi mượn từ Việt có thanh ngã (~) thì biến thành thanh (') hoặc thanh (.).

Hệ thống bộ chữ cổ của người Thái gồm: chữ cái phụ âm có 24 cặp chia làm 2 tổ: thấp và cao; chữ cái nguyên âm có 19 nguyên âm; dấu thanh điệu có 2 dấu thanh cho 2 tổ hợp, mỗi tổ hợp kể cả không dấu thanh sẽ tạo thành 3 thanh điệu, tổng cộng là 6 thanh điệu; hệ thống vần chữ Thái.

Chữ Thái cổ được viết liền nhau, không có dấu chấm, dấu phẩy, không viết hoa. Phụ âm cuối của âm tiết trước có thể làm phụ âm đầu của tiết sau; một phụ âm có thể kết hợp với ba nguyên âm để cấu thành ba âm tiết và ngược lại một nguyên âm có thể kết hợp với hai phụ âm để cấu thành hai âm tiết; nét chữ và độ dài, ngắn của một số phụ âm không rõ ràng, dễ nhầm lẫn; có nhiều từ cổ, có chữ âm từ (tượng hình) nên hiện nay ít người đọc được chữ Thái cổ; có nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng rất phổ biến trong giao tiếp.

Chữ Thái cổ hiện nay do những người già, người am hiểu chữ Thái nắm giữ và bảo lưu trong các cuốn sách chữ Thái cổ. Có thể phân loại sách chữ Thái cổ thành các loại sau: sách viết về quan niệm trời đất, sinh vật và sự sống (thế giới quan của con người); truyện kể (quám tô); sách hát (quám khắp); sách dạy người (quám bóc mạy, son kốn); sách giáo dục trẻ em; sách dạy lời giao tiếp (quám cáo nai); sách cúng tế (quám cáo tăm); sách cúng của thày mo (quám một); sách về tục lệ (hịt khỏng); sách bói toán (quám dượng mó); sách bùa chài ma thuật (măn muốn, bít năng, băng phắn); các loại sách hướng dẫn. Mỗi loại sách lại có nhiều chủ đề khác nhau.

Hệ thống sách chữ Thái cổ ghi chép về nhiều lĩnh vực như: lịch sử, lễ nghi, phong tục, luật lệ, đạo lý, địa lý, tín ngưỡng, nhân sinh quan thế giới và vũ trụ, văn học (sử thi, trường ca, anh hùng ca...), là nguồn sử liệu vô giá nghiên cứu về mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội… của người Thái. Chữ Thái cổ ghi lại những áng văn thơ của dân tộc mình để truyền từ đời này sang đời khác, được thể hiện qua những lời hát dân ca, những lời thơ trữ tình, lời dăn dạy con cháu, ôn truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông… Chữ Thái cổ là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực: âm nhạc, văn hóa dân gian, dân tộc học, ngữ văn… Hình thành từ cội nguồn xa xưa, chữ Thái có chức năng bảo tồn, phản ánh chiều sâu văn hóa dân tộc. Nghiên cứu chữ Thái và những pho sách Thái cổ góp phần hiểu rõ lịch sử tộc người, văn hóa, tin ngưỡng, tri thức dân gian của người Thái.

Với giá trị và ý nghĩa đặc biệt trên, Chữ viết cổ của người Thái được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 829/QĐ - BVHTTDL ngày 10/3/2016.

Theo Wikipedia, Người Thái tên tự gọi là Côn Tay/Tay/Tày/Thay tùy thuộc vào cách phát âm địa phương. Các nhóm, ngành lớn của người Thái tại Việt Nam bao gồm: Thái Trắng, Tay Đăm, Thái Đỏ và các nhóm khác… đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là hậu duệ những người Thái đã di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bây giờ.


Ảnh: Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Việt Nam, nguồn: Internet

Dựa trên các chứng cứ về di truyền, Jerold A. Edmondson cho rằng tổ tiên của các cư dân nói ngôn ngữ Tai-Kadai di cư từ Ấn Độ tới Myanmar, rồi sau đó tới Vân Nam (Trung Quốc) khoảng 20.000 - 30.000 năm trước. Từ đó họ đến đông bắc Thái Lan và sau đó di cư dọc vùng duyên hải Hoa Nam lên phía bắc đến cửa sông Trường Giang, gần Thượng Hải khoảng 8-10.000 năm trước. Vào thời kỳ vương quốc Nam Chiếu và Đại Lý tồn tại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, cũng như sau đó, họ từ đó chiếm lĩnh Thái Lan và Lào. Tuy nhiên, những chứng cứ trên của ông bị bác vì nó chưa đúng do không có người Thái di cư ngược sang sông Trường Giang.

Theo David Wyatt, trong cuốn "Thailand: A short history (Thái Lan: Lịch sử Tóm lược)", người Thái xuất xứ từ phía nam Trung Quốc, có cùng nguồn gốc với các nhóm dân ít người bây giờ như Choang, Tày, Nùng. Dưới sức ép của người Hán và người Việt ở phía bắc và phía đông, người Thái dần di cư về phía Nam và Tây Nam. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Trung tâm của họ khi đó là Điện Biên Phủ (Mường Thanh). Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi ở Đông Nam Á cùng 1 lúc bây giờ như Lào, Thái Lan, bang Shan ở Mianma và một số vùng ở đông bắc Ấn Độ cũng như nam Vân Nam. Vậy nên tổ tiến của những Thái đều ở Vân Nam hết rồi di cư xuống Đông Nam Á và Ấn Độ.

Theo sách sử Việt Nam, vào thời Nhà Lý, ở đạo Đà Giang, người Thái đã triều cống lần đầu tiên vào năm 1067. Những lãnh tụ Thái được gọi là phụ tạo, được phép cai quản một số lãnh địa và trở thành giai cấp quý tộc của vùng đó, như dòng họ Đèo cai quản các châu Lai, Chiêu Tấn, Tuy Phụ, Hoàng Nham; dòng họ Cầm các châu Phù Hoa, Mai Sơn, Sơn La, Tuần Giáo, Luân, Ninh Biên; dòng họ Xa cai quản châu Mộc; dòng họ Hà cai quản châu Mai, dòng họ Bạc ở châu Thuận; họ Hoàng ở châu Việt...

Hiện nay tại Việt Nam, người Thái có số dân là trên 2 triệu người, cư trú tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An (số lượng người Thái tại 8 tỉnh này chiếm 97,6% tổng số người Thái ở Việt Nam) và một số ở Tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Trong đó tại Sơn La có 482.485 người (54,8 % dân số), Nghệ An có 269.491 người (9,4 % dân số), Thanh Hóa có 210.908 người (6,1 % dân số), Lai Châu cũ (nay là Lai Châu và Điện Biên) có 206.001 người (35,1 % dân số).


     Lễ mừng lúa mới (Phiên âm tiếng Thái: Kín Khau mờ, Kín khau cắm) là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thái huyện Quế Phong coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng... Lễ mừng lúa mới đang được duy trì ở hầu hết các gia đình đồng báo Thái tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Đã thành thông lệ, mỗi năm, cứ vào độ tháng 9 - 10 dương lịch, khi những cánh đồng lúa trải tấm thảm vàng óng khắp bản làng cũng là lúc các gia đình ở làng trên, xóm dưới của huyện các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong... lại chộn rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cơm mới, tiếng Thái gọi là “Kín Khau mờ, Kín Khau cắm”.


(Ảnh minh họa)

Vì các nương lúa thường không chín đồng loạt, nên những nhà trồng lúa rẫy thường chọn ngày khác nhau để làm lễ mừng cơm mới. Họ thường chọn ngày đẹp, tránh vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong nhà. Thông thường, người Thái mỗi năm chỉ cúng mừng cơm mới một lần. Phong tục này xuất phát từ niềm tin của người Thái, họ cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Người Thái có câu: “Lực lan bỏ tàm kin còn, bỏ hón kin cái đăm páng” (Con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên) nên gia tiên phải là người ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa. Vì vậy, nhằm cảm ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng thắng lợi và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt nên mỗi gia đình dù có hoàn cảnh khác nhau vẫn thu xếp làm lễ cơm mới mời ông bà tổ tiên đến chung vui cùng con cháu. Trong lễ cơm mới, gia đình nào cũng mời 4 góc nhà, 3 góc bếp (tức là anh em, làng xóm, bạn bè thân thiết) cùng đến chung vui với mong muốn có nhiều khách thì vụ mùa sau sẽ có thêm nhiều niềm vui, phúc lộc. Những người khách mời nhất thiết không được mang tiền, quà mừng mà chỉ có những lời chúc tốt đẹp dành cho gia chủ.

Khi còn làm rẫy, cây lúa trên nương ngả màu vàng, gia chủ sẽ chọn ngày lành và người mẹ hoặc con dâu trưởng trong nhà sẽ đi cắt lúa mang về làm lễ cơm mới.

Trước khi lấy lúa trên nương về làm lễ cơm mới, bà con phải làm lễ cúng lúa mới trước để mời ông bà, tổ tiên đến ăn và báo cáo với tổ tiên là con cháu sẽ thu hoạch lúa về. Đồ lễ gồm có một con gà, một con vịt, một con lợn (không bắt buộc), 2 chai rượu trắng. Ngoài ra còn có xôi và đồ ăn, thức uống phục vụ con cháu đến giúp gia đình thu hoạch lúa. Tất cả đồ cúng được làm chín từ nhà, rồi bà con mang lên nương đặt tại một vị trí nào đó ở góc nương và mời ông mo đến cúng. Ông mo cúng gọi thổ công, thổ địa tại nương trồng lúa lên ăn. Ngày nay, do diện tích nương rẫy thu hẹp, bà con không còn duy trì lễ cúng lúa mới trên nương, chỉ thực hiện nghi lễ cúng cơm mới.

Sau khi cúng lúa mới xong, bà con chuẩn bị lễ cúng cơm mới. Nét đặc sắc của tục lệ này là lễ vật dùng để cúng chủ yếu là sản vật sẵn có được trồng từ nương rẫy. Ngoài ra, còn có cá suối nướng muối và các món ăn cổ truyền của người Thái tuy theo điều kiện của từng gia đình...

Lễ cúng cơm mới thường diễn ra vào lúc chiều tối, khi mọi người đã đi làm về đông đủ. Nét đẹp mang đậm tính nhân văn trong lễ mừng lúa mới của người Thái ở Quế Phong còn được thể hiện rõ nét qua bài khấn kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đá làm nên đồng, nên ruộng để con cháu lao động sản xuất làm ra hạt lúa, hạt gạo nay dâng lên tổ tiên bên nội, bên ngoại về hưởng lộc. “Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia chủ chúng con có một ít lễ dâng lên các vị thần linh cai quản đất này, cai quản nương rẫy. Kính dâng lên ông bà, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho con cái bình yên, khỏe mạnh, trồng nương rẫy được thêm nhiều mùa vụ tốt tươi... Gia tiên được ăn cơm mới cùng với con cháu, kính mong gia tiên phù hộ con cháu sức khỏe để làm ra của cải bằng người, trồng lúa đầy đồng khắp ruộng, mỗi bụi được 1 bó, mỗi bó được 1 gánh, trong nhà có lúa mọc mậm, ngoài nhà có cơm nguội...”. Lời khấn trong lễ cơm mới mỗi nơi có thể khác nhau về câu từ nhưng 2 chủ thể không thể thiếu là tổ tiên và thần linh.

Sau khi phần lễ thành kính được thực hiện xong, người Thái thường dùng từ “Đắng” để thử hạt nếp với dụng ý nói tránh, đánh lừa những con vật, như: Chim, chuột đồng để chúng không phá hoại mùa màng. Khi nếm thử, thầy mo thường mời những người tuổi mèo ăn trước rồi mới đến chủ nhà và người cao tuổi. Sau đó, gia chủ sẽ mời khách ở lại giao lưu, ăn mừng cơm mới “Mặc dù lễ mừng cơm mới chỉ diễn ra 1 ngày, 1 đêm và gói gọn trong sự quần tụ của một dòng họ, nhưng ngày đó là niềm vui trọn vẹn nhất của mọi nhà trong họ, trong bản sau một năm làm ăn vất vả để nghỉ ngơi, vui chơi, chế biến sản phẩm nông nghiệp và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đó cũng là khoảnh khắc giao cảm của mùa cũ và mùa mới, giữa trời và đất, giữa cõi sống và cõi chết”.

Lễ cơm mới các thành viên quây quần bên nhau. Đây sẽ là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong ngày cơm mới. Đặc biệt, người Thái không làm giỗ người đã khuất vào ngày mất. Hằng năm, nhân ngày làm lễ mừng cơm mới, ngày làm vía cũng như các ngày lễ khác, gia chủ sẽ mời người đã khuất về chung vui cùng con cháu.

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.